10 phẩm chất của những người thông minh cảm xúc để ta học hỏi.
Tiếp theo 5 phẩm chất của bài trước, tác giả chia sẻ 5 phẩm chất tiếp theo của những người thông minh cảm xúc.
Phẩm chất 6: Ý thức phát triển và hoàn chỉnh bản thân
Phẩm chất 7: Ý thức tập luyện chuyên cần
Phẩm chất 8: Nhẫn nại
Phẩm chất 9: Yêu thương bản thân và cảm thông với người khác
Phẩm chất 10: Tò mò và cởi mở với điều mới
Sổ bài tập EI 7 ngày tập luyện trí thông minh cảm xúc
Xem thêm:
4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc
10 phẩm chất học hỏi từ những người thông minh cảm xúc (P1)
Phẩm chất 6 – Ý thức phát triển và hoàn chỉnh bản thân
Cho phép bản thân phát triển theo nhịp độ của riêng nó. Và ngừng việc so sánh cuộc đời mình với thành công của người khác.
Vô danh
Vì hiểu rõ bản thân (xem phần 1), những người thông minh cảm xúc ý thức việc sử dụng quỹ thời gian 24h cho những hoạt động nào để phát triển và hoàn chỉnh bản thân.
Khi đã thấy rõ những nguyên nhân chủ quan (xuất phát từ họ như suy nghĩ, lời nói, hành vi) khiến họ có những phản ứng cảm xúc không đẹp nào đó (như giận hờn, ganh tị), họ có kế hoạch chỉnh sửa từng bước.
Ví dụ, anh A thường có cảm giác tự ti về giá trị bản thân. Vì nhận ra những suy nghĩ độc thoại tiêu cực khiến anh hoài nghi về năng lực của mình, anh từng bước thay đổi bằng cách tự nói với bản thân bằng những lời công nhận có yêu thương và động viên.
Anh viết ra giấy những thành tựu nho nhỏ từ sự cố gắng hết mình cho một việc, thay vì “chăm chăm” khiển trách chỉ trích bản thân vì chưa làm tốt/xuất sắc việc gì.
Họ đầu tư thời gian vào mở rộng kiến thức, làm giàu tri thức và làm sâu nhận thức về con người xã hội. Họ đọc thêm sách về lĩnh vực khác. Họ trao đổi kiến thức với nhóm bạn. Họ cởi mở với những thứ họ chưa biết. Họ khao khát tri thức.
Vì khi đi sâu vào một số biểu hiện cảm xúc, họ thấy rõ có một số niềm tin mù quáng, nhiều nhận thức sai lầm. Những niềm tin mù quáng, nhận thức sai lầm này cũng hạn chế quá trình phát triển bản thân.
Khi “phá vỡ” chúng, nghĩa là điều chỉnh nhận thức sai, những người thông minh cảm xúc thường “nới rộng vùng an toàn” bằng cách thử sức làm những thứ trước đây chưa làm bao giờ. Họ thử chơi môn thể thao mới, thử công việc mới, thử viết thư nhắn gửi người thương,…
Andrian* (khoảng 40 tuổi) chia sẻ với nhóm là cậu ấy rất sợ chó. Cậu ấy thấy ra là nỗi sợ chó đó bắt nguồn từ niềm tin của mẹ cấu ấy ‘chó nguy hiểm’. Thật ra, cậu ấy không có một kí ức xấu gì về chó cắn hay tấn công người. Vì nhận ra đây là một niềm tin sai lệch, câu ấy đã nhận nuôi một em chó để bầu bạn. Đến giờ họ sống vui vẻ, chơi đùa với nhau.
Giải thích:
Cảm xúc: sợ hãi. Đối tượng của nỗi sợ: con chó. Niềm tin sai lầm: chó nguy hiểm. Nguồn gốc của niềm tin sai lầm: niềm tin của mẹ Andrian. Hành động thay đổi: Nhận nuôi một em chó.
Kết quả: Sống hạnh phúc, vui vẻ với em chó. Nhận thức đã thay đổi.
(*) Tên nhân vật thật đã được thay đổi
Phẩm chất 7 – Ý thức tập luyện chuyên cần
Chính nỗ lực không ngừng nghỉ – không phải sức mạnh hay trí thông minh – là chìa khóa để mở ra tiềm năng của bạn.
Winston Churchill
Họ lập kế hoạch luyện tập để nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc. Quan trọng là, họ nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó.
Ví dụ, họ cam kết ghi lại các phản ứng trong ngày 30 phút mỗi cuối ngày.
Họ duy trì tập Yoga 30 phút mỗi ngày để cơ thể dẻo dai.
Họ cam kết sẽ không phát ngôn nếu đang giận dữ.
Có 1 điểm hay chúng ta có thể học hỏi từ những người thông minh cảm xúc là, họ vui và phấn khởi khi làm các bài tập theo kế hoạch đã cam kết. Nghĩa là, có niềm vui và tinh thần phấn khởi từ tập luyện đã giúp họ duy trì rèn luyện đều đặn.
Xem thêm:
10 điểm cần journaling để rèn luyện khả năng nhận diện cảm xúc
40 câu hỏi EI hỗ trợ luyện tập trí tuệ cảm xúc
15 mobile app EI hỗ trợ tập luyện trí tuệ cảm xúc
Thử một số bài tập thông minh cảm xúc trong 7 ngày qua cuốn sổ bài tập sau!
Phẩm chất 8 – Nhẫn nại
Nhẫn nại nghĩa là bình tĩnh chấp nhận sự việc xảy ra theo cách thức của nó hơn là theo cái cách mình muốn.
David G. Allen
Một trong những phẩm chất mà những người luyện tập trí tuệ cảm xúc lâu năm cho rằng rất quan trọng là tính nhẫn nại với bản thân, với mọi người, và với quá trình tập luyện.
Trí tuệ cảm xúc là một quá trình của quan sát và hiểu. Nghĩa là, quan sát các biểu hiện cảm xúc rồi hiểu rõ các nguyên nhân của cảm xúc là một bài tập gần như không biết “hạn chót” là ngày nào.
Như ví dụ ở phẩm chất 6, Andrian sau hơn 20 năm mới hiểu ra nguyên nhân bạn ấy sợ chó.
Môi trường xung quanh tiếp xúc hằng ngày sẽ “được” tiếp xúc với những con người, những sự việc xảy ra không như ý, dẫn đến cảm xúc không vui. Những người nhẫn nại thường nhìn vào giá trị tích cực của những điều không như ý. Họ dành thời gian tìm hiểu vì sao lại có phản ứng không vui vì những tình huống bất như ý đó.
Vì biết nhẫn nại với bản thân nên họ cũng học cách nhẫn nại với người khác (gia đình, bạn bè, động nghiệp, người lạ, hoặc động vật). Vì họ thấy ra, những biểu hiện cảm xúc tiêu cực hay tích cực của người khác đều có lý do. Và muốn hiểu các lý do này phải cần thời gian và sự nhẫn nại.
Phẩm chất 9 – Yêu thương bản thân và cảm thông với người khác nhiều hơn
Hãy cho những người thương đôi cánh để bay, gốc rễ để trở về , và lý do để ở lại.
Dalai Lama
Những người thông minh cảm xúc yêu thương bản thân bằng cách sống thật với tính cách, giá trị của bản thân. Họ không tạo vỏ bọc lên bản thân để được mọi người chú ý. Vác theo vỏ bọc lên vai chỉ khiến họ cảm thấy nặng nề và không có tự do. Họ học cách chấp nhận bản thân, cả những mặt đẹp và chưa đẹp.
Họ thể hiện tình yêu với bản thân bằng việc thường xuyên ý thức những điều gì sẽ nuôi dưỡng cuộc sống tích cực. Họ ý thức rằng đọc cái gì, xem phim gì, làm việc gì là không tốt, không có ích cho thân thể và tâm hồn. Họ ý thức rằng công việc gì, trong môi trường nào sẽ giúp họ phát huy năng lực và sống có ý nghĩa cho xã hội.
Họ cũng dần dần chấp nhận người khác, thay vì ‘khó tính‘ với mọi người chỉ vì khái niệm về một người hoàn hảo tự xây dựng trong đầu. Họ nhìn ra những điểm tốt và chưa tốt của người đó. Họ cho rằng, người đó cũng cần quá trình để hoàn thiện những điểm chưa tốt chưa đẹp.
Phẩm chất 10 – Tò mò và cởi mở với điều mới
Khi tò mò, ta sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị để làm.
Walt Disney
Tò mò là phẩm chất giúp những người thông minh cảm xúc khám phá sâu hơn cảm xúc của bản thân và của người khác. Có những sự thật về con người họ được vỡ lẽ trong quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc, về tính cách, năng lực, niềm tin, cách tư duy, v.v.
Với người khác, họ cũng tò mò như vậy. Họ thắc mắc, “Người đó là người thế nào? Vì sao bạn ấy nhạy cảm với abcd? Vì sao bạn ấy dễ có những biểu hiện cảm xúc như thế? Văn hóa, thói quen gì?, v.v.”
Những khái niệm về một người, rằng họ phải như thế này, như thế kia, cũng dần dần mất đi. Thay vào đó, họ cởi mở với con người thật của người đó tại thời điểm tiếp xúc.
Họ tò mò và cởi mở với mọi thứ diễn ra xung quanh bởi vì họ nghĩ rằng chúng sẽ thay đổi.
Kết
Đây là 10 trong số nhiều phẩm chất đẹp của những người thông minh cảm xúc mà tác giả đã quan sát. Lưu ý là, 10 phẩm chất này chỉ có tính tham khảo, không phải là hệ quy chuẩn. Nên các bạn tránh việc ép bản thân phải được phẩm chất này, phẩm chất kia nhé!
Tác giả tin rằng, trong quá trình phát triển và nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ phát hiện ra nhiều phẩm chất tốt đẹp ở trong mình. Hãy viết lại và chia sẻ với mọi người nhé!
Gợi ý bài tập nhỏ
Sau đây là một gợi ý nhỏ cho bài tập “phát triển và hoàn thiện bản thân”:
Liệt kê các hoạt động của bạn trong 2 ngày/ 5 ngày/ 7 ngày qua.
Phân loại hoạt động nào có ích và không có ích cho việc nuôi dưỡng cơ thể và tinh thần của bạn.
Thử một số bài tập trí thông minh cảm xúc trong 7 ngày qua cuốn sổ bài tập sau!
Xem thêm: 10 điểm cần journaling để rèn luyện khả năng nhận diện cảm xúc
Góc chia sẻ
Chia sẻ, thắc mắc trong phần comment bên dưới hoặc qua email.
Email: hoa@hugmystep.com
Nguồn:
- Hình ảnh: bà cháu chia sẻ cảm xúc suy nghĩ, phẩm chất của người thông minh cảm xúc
- Hình ảnh: cốc nước, green frog, https://stocksnap.io/, https://www.pexels.com/
- BrainyQuote, Goodreads
- Daniel Goldman (2005). Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ. Bantam
Cảm ơn bạn đã đọc bài!