Có một thói quen gây cho chúng ta không ít căng thẳng, đó là ta thường tính toán quá nhiều trong mọi chuyện.
Nói một cách khác, ta luôn nhẩm tính trong đầu xem việc này kia có đáng để mình làm hoặc sở hữu hay không.
Dĩ nhiên không phủ nhận có nhiều lúc trong cuộc sống điều này là rất cần thiết. Chẳng hạn như khi ta ngồi xem tivi trong khi bản báo cáo phải trình ngày mai còn dang dở. Những lúc như thế ta rất cần tự nhắc nhở rằng cái giá để xem tivi là quá đắt, thậm chí ta sẽ phải trả giá bằng cả công việc của mình.
Nhớ có lần, tôi và vợ quyết định mua một chiếc thuyền. Vấn đề là ở chỗ, trong vòng 2 năm trời sau đó, chúng tôi chỉ bước lên thuyền có 1 lần – lại không phải để chèo thuyền mà là một buổi picnic với bạn bè. Trường hợp này cũng rất đáng để chúng tôi phải nhận thức rằng buổi picnic đó trị giá tới hơn 2000 USD dù chúng tôi đã rất vui cùng bạn bè.
Tuy nhiên, có nhiều việc ta không nên tính toán. Tôi biết nhiều người không dám dành ra một vài ngày để thư giãn, vui chơi vì chơi như thế quá tốn kém nếu tính đến khoản tiền dự trù họ sẽ kiếm được trong khoảng thời gian này. Họ đã sai lầm!
Giả sử cuối cùng họ có dành ra được một vài ngày cho mình, họ cũng không thể hoàn toàn thư giãn với một bộ óc chứa đầy những toan tính theo kiểu đó. Rằng nếu mình đừng đến đây và đi gặp người khách hàng đó, biết đâu mình đã kiếm được 400 USD/ngày hôm nay.
Các con số càng xuất hiện trong đầu, chúng càng làm giảm cơ hội cho bạn tận hưởng một cuộc sống thanh thản, phong phú về tâm hồn.
Cách duy nhất để bạn có được cuộc sống đó là phải trân trọng giá trị của sự thư giãn, thanh thản, niềm vui gia đình và đặt chúng lên ưu tiên hàng đầu ít nhất là trong những giây phút này.
Chính vì thế, dù khả năng thu nhập ở mức nào, bạn vẫn phải tính đến giới hạn cân bằng cần thiết cho bản thân mình.
Một trong những ký ức đẹp nhất của tôi là lần cha tôi đến giúp tôi chuyển nhà. Đó là một ngày giữa tuần và khi ấy, cha tôi đang ở vào thời điểm bận rộn nhất. Ông điều hành một công ty lớn với rất nhiều vấn đề phức tạp. Thời gian đối với ông vô cùng quý.
Tôi còn nhớ mình nói với ông: “Lần chuyển nhà này là lần đắt giá nhất phải không cha?” và thầm tính quả là đắt nếu so với chi phí ông bỏ ra để thuê một vài người khác đến giúp tôi, chưa kể ông sẽ đỡ mệt nhọc, vất vả. Thế nhưng, thậm chí không cần đến một giây để suy nghĩ, cha nhìn tôi và nói: “Không ai tính được bằng tiền những giây phút bên con trai mình. Đây là điều cha sẵn lòng làm hơn bất cứ điều gì trên đời này.”
Câu nói này đã theo tôi hơn 20 năm và sẽ còn theo tôi đến cuối cuộc đời. Tôi cảm thấy mình sao có ý nghĩa, mình đặc biệt, mình quan trọng đến thế. Còn với cha, đó là một ngày hơn hẳn bất cứ ngày làm việc nào ở nơi công sở đầy căng thẳng.
Nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn, hãy bớt tính toán – nhất là khi bạn dành thời gian cho bản thân, cho gia đình, con cái.
Thời gian bên họ sẽ giúp bạn trút bỏ được căng thẳng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống – kể cả công việc.
Khi bạn hiểu rằng trong cuộc sống của bạn có những phần vô giá, không thể đem ra so đo tính toán với bất kể giá nào, bạn sẽ thấy sao nó thật đáng quý và hơn thế, cuộc sống là do bạn làm chủ.
Hãy cho bản thân chút thời gian – để đi dạo, tận hưởng thiên nhiên, để đọc sách, nghe nhạc và ở bên những người mình yêu thương.
Đặc biệt khi ấy, đừng để đầu óc bị chi phối bởi những chuyện làm sao để có lời hơn. Bạn sẽ thấy được giá trị và những điều đích thực cần bạn ưu tiên trong cuộc sống.
Đồng thời bạn sẽ phải ngạc nhiên vì những ý tưởng tuyệt vời nhất chợt xuất hiện trong đầu, khi bạn hoàn toàn không tính toán.
(Câu chuyện sưu tầm từ cuốn “Chỉ là chuyện nhỏ” của Richard Carlson)
… Về tác giả Richard Carlson
Richard Carlson (1961 – 2006) là một nhà tâm lý trị liệu và là tác giả của series sách thuộc thể loại self-help “Don’t sweat the small stuff“.
Ông sinh trưởng ở Mỹ, bắt đầu sự nghiệp với vai trò là nhà trị liệu tâm lý và là người điều hành một trung tâm trị liệu stress. Bố mẹ của ông là những vị sáng lập nên tổ chức từ thiện mang tên ARK Foundation để thúc đẩy hòa bình thế giới.
Nguồn:
- Hình ảnh: Yosep Surahman
- Nguồn: Chỉ là chuyện nhỏ – Richard Carlson. NXB Trẻ
Bài liên quan:
- Khoe khoang nỗi vất vả trong công việc: NÊN hay KHÔNG?
- Đừng đứng núi này trông núi nọ
- Cách trang trí nơi làm việc của bạn: nuôi dưỡng hay bòn rút năng lượng?
- Lời thầy dạy về Tình người, Kiến thức, và Tài năng
Tải sổ bài tập nhận diện cảm xúc, quan sát thói quen (miễn phí)
Nhập tên và email để đăng kí tải về nhé!