#006 Hãy nhìn một người bên ngoài trách nhiệm công việc của họ

Chúng ta thường có thói quen nhìn người khác chỉ gói gọn trong vai trò của họ, quên mất rằng bên ngoài phần trách nhiệm công việc, họ cũng là một con người.

Tất cả họ đều là những mảnh đời với những câu chuyện riêng: Người bán xăng có một gia đình nhưng cuộc sống thiếu ổn định. 
Cô tiếp viên hàng không mệt mỏi chỉ chờ được về nhà.
Cô nhân viên điều hành mâu thuẫn với chồng và có một tá vấn đề bên trong mà ta không biết.
Còn cô thư ký cũng yêu con, yêu bạn bè, cũng có cảm xúc giận dữ như bao người khác.

Dù là ai, sếp hay nhân viên của bạn, tất cả họ đều như nhau.


Có nhiều điều dẫn bạn đến thói quen này.

Hãy nhớ lại, lần đầu tiên khi gặp một người, bạn có hỏi ngay xem họ làm gì?

Bạn có sau đó gọi họ bằng “cô kế toán”, “anh luật sư” như thể chức vụ họ đang đảm nhận là tất cả con người họ?

Tôi được nghe câu chuyện về một ông chủ triệt để vai trò nhân viên. Đến cây bút chì cần được gọt ông cũng để cô thư ký phải làm mà chẳng cần biết cô nghĩ gì. Dù chỉ mất vài giây để gọt, nhưng ông cho đấy là “nhiệm vụ” của thư ký.


Khi bạn nhìn một con người, trước hết như một con người, và thứ đến, dưới vai trò của họ. Điều đó sẽ được truyền tải đến đối tượng tiếp xúc với bạn. Họ nhìn bạn bằng ánh mắt khác, lắng nghe bạn và đối xử với bạn cũng khác.

Khi bạn nhìn thấy những gì bên ngoài phần trách nhiệm họ đang gánh vác, bạn sẽ mở ra một mối quan hệ song phương sâu sắc, phong phú, sẵn sàng giúp đỡ bạn hơn.

Không biết bao lần, nhờ quan điểm này, tôi đã nhận được nhiều giúp đỡ ở sân bay, cửa hàng, trên xe taxi…


Giả sử ông chủ trong ví dụ trên đây biết đối xử với người thư ký của mình như một người bạn hữu nhiều hơn là với vai trò thư ký của cô, chắc cô cũng vẫn vui vẻ gọt bút chì cho ông.

Thế nhưng, cách “giao việc” đã làm cô cảm thấy mình bị khinh khi và cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc. Thật đáng tiếc cho ông vì đó là một người thư ký rất được việc và chỉ sau đó, ông mới nhận ra xử sự không đúng của mình. Hy vọng đây là một bài học cho ông.

Còn một cửa hàng tôi thường ghé mua sắm có mấy người nhân viên rất thân thiện, dễ chịu. Thế nhưng, tôi đã từng chứng kiến nhiều khách hàng coi họ như những “thứ phải có”, tồn tại để phục vụ, tính tiền mà thôi.

Họ không đến nỗi tỏ ý khinh thường những người bán hàng nhưng họ coi như chẳng có ai ở đó, chẳng có những con người đang đứng mỉm cười chào đón họ, những con người cũng có cảm xúc, cũng hạnh phúc với con cái, với những ngày nghỉ như họ.

Tôi lặng lẽ đứng quan sát những gương mặt không bao giờ nhìn lên, không biết mỉm cười hay chào hỏi. Có lẽ bạn cũng dễ dàng bắt gặp những người như thế ở khắp mọi nơi: cửa hàng, nhà hàng, sân bay, taxi, xe buýt, khách sạn, v.v.


Quan điểm này rất đơn giản mà dễ thực hiện.

Bạn không cần phải tỏ ra quá thân thiện, biến mình thành bạn thân của bất cứ ai mình gặp. Bạn cũng không quên trách nhiệm, vai trò một người đang gánh vác là một phần trong cuộc sống của họ. Nhất là với nhân viên, bạn vẫn phải xử sự với họ bằng một phong thái nhất định.

Thế nhưng, đừng quên rằng, từng con người đều rất đặc biệt.
Con người họ nhiều hơn những gì giới hạn trong vai trò họ đang đảm nhận.
Họ – những người đang tiếp xúc với bạn đều mang theo tất cả cảm xúc buồn, vui, lo lắng, sợ hãi,…

Hiểu được điều này, cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng mà hiệu quả.

Không những thế, chỉ bằng nụ cười và ánh mắt, bạn làm cho từng ngày của mọi người xung quanh rạng rỡ, tươi sáng hơn, biến thế giới này thành một thế giới vui vẻ, thân thiện cho bạn và cho mọi người.

HÃY NHÌN MỘT NGƯỜI BÊN NGOÀI TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC CỦA HỌ!

(Bài sưu tầm từ cuốn sách “Chỉ là chuyện nhỏ” của Richard Carlson)

… Về tác giả Richard Carlson


dung nui nay trong nui no hugmystep.com

Richard Carlson (1961 – 2006) là một nhà tâm lý trị liệu và là tác giả của series sách thuộc thể loại self-help “Don’t sweat the small stuff“.

Ông sinh trưởng ở Mỹ, bắt đầu sự nghiệp với vai trò là nhà trị liệu tâm lý và là người điều hành một trung tâm trị liệu stress. Bố mẹ của ông là những vị sáng lập nên tổ chức từ thiện mang tên ARK Foundation để thúc đẩy hòa bình thế giới.


Nguồn:

Carlson, Richard. 1998. Chỉ là chuyện nhỏ. Phan Thanh Huyền và Phan Hồng Hà biên dịch. NXB Trẻ.
Video: Read with Metta channel
Hình ảnh: nhìn một người bên ngoài trách nhiệm/Rajesh Rajput; Unsplash.com


Đọc thêm:

4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc
2 thói quen không có lợi cho quá trình giảm stress
Đọc vị 2 nhóm cảm xúc của chính mình
Tôi đã biết lắng nghe chưa?

SỔ BÀI TẬP NHẬN BIẾT CẢM XÚC (miễn phí): Đăng ký tên và email để tải về làm