Tóm tắt những điểm cốt lõi về trí tuệ cảm xúc bạn nên nắm rõ để thực hành có hiệu quả.
Trong thời gian đầu làm quen trí tuệ cảm xúc, mình đã thử nhiều cách khác nhau từ các thầy và tài liệu hướng dẫn. Mặt tốt của thử nhiều cách là biết cách nào phù hợp với mình. Còn mặt trái là … bị rối. Mình thắc mắc: Vì sao cách này hợp với mình? Còn cách kia lại không hợp? Mỗi thầy hướng dẫn sẽ có phương pháp thực hành riêng. Vậy điểm chung của các phương pháp này là gì? Tình huống nào thì dùng cách này hay cách kia?
Mình đã loay hoay với những câu hỏi như vậy đấy. Bạn có lúng túng và bị rối như thế không?
Sau đó mình dần rút ra 4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc sau đây. Và mình đã áp dụng chúng trong nhiều tình huống khác nhau mà không cứng nhắc sử dụng một cách cụ thể nào.
- Trí tuệ cảm xúc là quan sát trọn vẹn
- Trí tuệ cảm xúc là giữ thái độ không can thiệp khi quan sát
- Trí tuệ cảm xúc là tự điều chỉnh thái độ và hành vi
- Trí tuệ cảm xúc là thực tập hết lòng, nghiêm túc và vui
Nắm rõ các điểm này sẽ giúp bạn thực tập và ứng dụng trí tuệ cảm xúc một cách linh hoạt.
Xem thêm: Sổ bài tập EI 7 ngày thực hành trí tuệ cảm xúc
1 – Trí tuệ cảm xúc là quan sát trọn vẹn
Quan sát trọn vẹn
Quan sát trọn vẹn tại thời điểm đó là điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc. Đó là:
Biểu hiện cảm xúc của chính mình
Và/hoặc biểu hiện cảm xúc của đối phương
Các lý do của cảm xúc đó
Thói quen can thiệp và phán xét cảm xúc
Quan sát trọn vẹn nghĩa là toàn tâm toàn ý với đối tượng mình đang quan sát. Tránh sự cố gắng quá mức trong việc quan sát. Cố gắng tránh sử dụng các hoạt động khác để khỏa lấp cảm xúc khó chịu. Ví dụ, mua sắm để quên đi cái khó chịu.
Đối phương ở đây có thể là con người (đồng nghiệp, bạn bè, đối tác, v.v.), động vật, v.v.
Quan sát biểu hiện cảm xúc là quan sát một số điểm sau:
Biểu hiện cảm xúc (ví dụ: ganh tị)
Cường độ cảm xúc (ví dụ: nhẹ)
Thay đổi của cảm xúc (ví dụ: nặng nhẹ, ganh tị giận dỗi)
Kết quả do các phản ứng cảm xúc (ví dụ: tổn thương người khác, mất khách hàng, lo lắng.)
Lý do của cảm xúc
Lý do của một biểu hiện cảm xúc rất đa dạng, biểu hiện từ dạng thô đến vi tế. Gợi ý một vài lý do:
Một/nhiều cảm xúc khác
Sở thích, thói quen ăn uống, sinh hoạt, nói năng, cư xử
Tình trạng thể chất
Tính cách, kí ức lúc nhỏ
Văn hóa và quy định của môi trường gia đình, bạn bè, công việc
Niềm tin, quan điểm, mục tiêu cuộc sống, v.v.
2 – Trí tuệ cảm xúc là giữ thái độ không can thiệp khi quan sát
Điểm thứ hai trong 4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc là không để ý muốn chủ quan can thiệp vào các biểu hiện cảm xúc khi quan sát.
Nghĩa là không cố gắng thay đổi cảm xúc ngay lúc quan sát.
Nghĩa là làm bạn với nó, lắng nghe quan sát nó như nó đang là như vậy, mặc dù thích hay không thích. Thông thường, thay vì “để nó như là”, ta “muốn nó như là” hay “nó nên là thế này thế kia”.
Nhất là khi có một cảm xúc tiêu cực/xấu diễn ra, ta có xu hướng muốn can thiệp để thay đổi hoặc gạt đi cảm xúc đó. Đây chỉ là giải pháp tạm thời trong một vài trường hợp. Mình không khuyến khích các bạn sử dụng vì thực ra, càng muốn thay đổi càng muốn gạt đi thì cảm xúc tiêu cực đó càng phình ra, ghé thăm thường xuyên hơn.
Khi mình thực tập quan sát cảm xúc với thái độ không can thiệp, mình học được rằng cảm xúc nào cũng giúp mình học được bài học về bản thân, bằng cách thấy rõ ra các nguyên nhân của nó. Dựa trên đó, mình biết tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi – hai trong số những nguyên nhân chính của biểu hiện cảm xúc.
3 – Trí tuệ cảm xúc là tự điều chỉnh suy nghĩ, thái độ và hành vi
Điểm kế tiếp trong 4 cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc là tự điều chỉnh suy nghĩ, thái độ và hành vi.
Vì vốn dĩ những phản ứng cảm xúc là kết quả của suy nghĩ, thái độ và hành vi của ta trong từng tình huống.
Ví dụ, cảm giác tự ti vì suy nghĩ/niềm tin bản thân yếu kém hơn người khác. Cảm giác bất mãn vì muốn người khác theo ý mình.
Muốn biết cần điều chỉnh cái gì, thì hãy xem phản ứng cảm xúc đó có giúp cuộc sống tốt đẹp hơn hay không. Mỗi người, từng giai đoạn, có một định nghĩa riêng về ‘cuộc sống tốt đẹp’. Bạn có thể tham khảo triết lý sống từ sách hoặc từ mọi người. Tuy nhiên, hãy dành thời gian một mình cho bản thân, xem bản thân thực sự cần gì muốn gì. Đặc biệt là hãy quan sát cảm giác của cơ thể khi bạn làm một điều gì. Nó có thể là ‘hint‘ giúp bạn học được định nghĩa của riêng bạn.
Ví dụ đơn giản, tính nóng nảy làm mình quyết định thiếu sáng suốt, nói năng thiếu kiểm soát, mất đi một số quan hệ thân thiết. Mình nhận ra, cái tính nóng nảy chỉ làm tăng cảm giác luyến tiếc, dằn vặt vì đã làm sai, nói sai. ‘Cuộc sống tốt đẹp’, với mình, nghĩa la nuôi dưỡng cuộc sống an yên về mặt tâm lý. Khi quan sát sâu hơn, mình nhận ra, tiêu thụ thịt động vật là một trong số nguyên nhân của tính nóng nảy này. Kể từ lúc ngưng ăn thịt, mình đã trở nên ôn nhu hơn.
Đối với mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, hành vi là một quá trình thực hiện một loại các thí nghiệm, thử gia giảm cái này, thêm thắt cái kia. Nó giống như nấu ăn vậy đó. Bạn cần thực tập để học được ‘công thức nấu ăn‘ của mình.
4 – Trí tuệ cảm xúc là sự thực tập nghiêm túc, hết lòng và vui
Điểm cuối cùng cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc là sự thực tập nghiêm túc, hết lòng và vui … để học ra ‘công thức nấu ăn’.
Thực tập nghiêm túc hết lòng nghĩa là toàn tâm toàn ý vào quan sát cảm xúc cũng như các hiện tượng liên quan đến cảm xúc.
Một khi toàn tâm toàn ý vào đối tượng cần quan sát, độ tập trung của bạn tăng, giúp bạn nhìn rõ vấn đề nhanh hơn.
Thực tập nghiêm túc hết lòng không có nghĩa là phải gồng lên và ép bản thân phải làm cái này cái kia để thay đổi. Càng gồng càng ép thì quá trình thay đổi càng chậm. Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Nhiệm vụ chính của bạn là quan sát trọn vẹn và hết lòng.
Thật ra, trí tuệ cảm xúc là cả quá trình khám phá bản thân thông qua các biểu hiện cảm xúc, với một loạt thí nghiệm điều chỉnh suy nghĩ, thái độ và hành vi. Để quá trình này diễn ra liên tục, thực tập trí tuệ cảm xúc cần mang lại niềm vui. Nghĩa là bản thân phải thấy thú vị, hứng thú khi khám phá hiểu biết hơn về chính mình. Bản thân phải thấy vui khi nhận thấy sự thay đổi tích cực trong đời sống.
Dựa trên trải nghiệm của tác giả, cảm giác thú vị, hứng thú, và vui đến một cách tự nhiên trong quá trình thực hành trí tuệ cảm xúc. Chậm lại một chút để nhận thấy khám phá nào, thay đổi nào mang lại niềm vui và thú vị cho bạn. Rồi tiếp tục đào sâu tìm hiểu thêm.
Ngược lại, nếu học hành làm bạn chán nản, không thấy thú vị, thì:
- cần xem lại phương pháp thực hành bạn đang áp dụng: đánh giá phương pháp ấy có phù hợp với trình độ hiện tại hay không
- hoặc, trí tuệ cảm xúc, nói chung, chưa phải là món ăn phù hợp với bạn. Hãy tích cực thử món ăn khác xem sao!
Sổ bài tập EI 7 ngày luyện tập trí tuệ cảm xúc
Thử bài tập trí tuệ cảm xúc trong 7 ngày qua cuốn sổ bài tập sau!
Xem thêm: 10 điểm cần journaling để rèn luyện khả năng nhận diện cảm xúc
Kết
Tóm lại, 4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc là: (1) quan sát trọn vẹn, (2) thái độ không can thiệp khi quan sát, (3) tự điều chỉnh suy nghĩ, thái độ và hành vi, và (4) thực tập nghiêm túc, hết lòng và vui.
Đọc đến đây có lẽ nhiều bạn thắc mắc phần lớn nội dung về trí tuệ cảm xúc mình đề cập trong bài viết đều hướng đến bản thân và ít nói về trí tuệ cảm xúc trong mối quan hệ với người khác. Thật ra đây chính là công thức của trí tuệ cảm xúc, nghĩa là luôn luôn “quay về quan sát và điều chỉnh bản thân‘.
Một khi bản thân đủ tinh tế quan sát rõ ràng phản ứng cảm xúc và nguyên nhân, tự khắc bạn sẽ nhạy cảm và tinh tế với biểu hiện cảm xúc của người khác. Từ đó tự biết cần cư xử ra sao để nuôi dưỡng mối quan hệ.
Chi tiết hơn về trí tuệ cảm xúc, bạn có thể đọc thêm ở bài sau: Trí tuệ cảm xúc là gì? Nên bắt đầu thực hành từ đâu?
Để rõ hơn các biểu hiện cảm xúc và nhóm cảm xúc, hãy đọc bài sau: 2 nhóm cảm xúc trong trí tuệ cảm xúc
Góc chia sẻ
Mọi thắc mắc hoặc chia sẻ về 4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc để lại trong phần comment bên dưới hoặc gửi qua email.
Email: hoa@hugmystep.com
Nguồn:
- Hình ảnh: bà cháu chia sẻ cảm xúc suy nghĩ, điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc
- Hình ảnh: quan sát trọn vẹn, relax, nhộng sang bướm, kids have fun,
- Salovey, P. – Mayer, J. (1990) – Emotional Intelligence. Imagination, Cognition and Personality. 1990;9(3):185-211. doi:10.2190/DUGG-P24E-52WK-6CDG
- Goleman, D. 2005. Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ.
- Caruso, D., R. – Salovey, P. 2004. The Emotional Intelligent Manager.
Cảm ơn bạn đã đọc bài!